Vụ Đông Xuân 2024-2025, An Giang dự kiến xuống giống khoảng 227.916 ha lúa, nếp

 

Ngày 11-10, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch Sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025. Theo kế hoạch, dự kiến diện tích xuống giống vụ Đông Xuân là 245.027 ha, trong đó gồm 227.916 ha lúa và 17.111 ha rau màu; vụ mùa 3.643 ha. Ước năng suất lúa bình quân vụ Đông Xuân đạt 7,41 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng gần 1,7 triệu tấn và vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng đạt 15.156 tấn.

Vụ Đông Xuân 2024-2025, An Giang dự kiến xuống giống khoảng 227.916 ha lúa, nếp

Ngành Nông nghiệp An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ Đông Xuân năm 2024-2025 trong toàn tỉnh An Giang được bắt đầu từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2024. Trong đó, lịch xuống giống né khô hạn và chia sẽ nguồn nước, chia làm 3 đợt như sau:

Đợt 1: Xuống giống từ 01/11 đến 15/11/2024 tập trung ở những vùng tiểu vùng sản xuất 02 vụ tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, Phú Tân, vùng ngoài đê bao giáp biên giới Campuchia và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ Thu Đông tại huyện Phú Tân, Tân Châu, An Phú diện tích khoảng 80.000 ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ.

Đợt 2: Xuống giống từ 16/11 đến 15/12/2024 vụ Đông Xuân đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm diện tích khoảng 120.000 ha, tập trung tại tất cả các huyện.

Đợt 3: Xuống giống từ 16/12 đến 31/12/2024 tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông 2024 và các diện tích còn lại của tỉnh, rải rác tại các huyện Tri Tôn, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên.

Ngoài ra, An Giang còn bố trí lịch xuống giống né rầy chia làm 02 đợt dự kiến như sau: Đợt 1: từ 18/11 – 30/11/2024 với diện tích khoảng 60.000 ha; Đợt 2: từ 18/12 – 30/12/2024 với diện tích khoảng 80.000 ha. Căn cứ lịch xuống giống, tổng diện tích né rầy trong vụ Đông Xuân 2024-2025 đạt 61,5% diện tích kế hoạch xuống giống. Các diện tích còn lại xuống giống ngoài khung lịch né rầy Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ xây dựng kế hoạch riêng và phối hợp với địa phương, cơ quan có liên quan để bảo vệ tốt diện tích này. 

Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau.

Cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân năm 2024-2025: Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo về cơ cấu giống lúa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những năm qua là: Mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 04 đến 05 giống chủ lực, 04 đến 05 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không quá 20%. Phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.

Căn cứ vào số liệu theo dõi về tình hình giá lúa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa: OM 9582, Đài Thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900, Nàng Hoa 9, … thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng; Đây cũng là những giống lúa phù hợp trồng trong thời tiết vụ Đông Xuân; Do đó, các địa phương có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ Đông Xuân năm 2024-2025.

Các giống bổ sung: OM 9582, OM 4218, OM 380,  OM 34, OM 448…; Tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.  

Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu…) và Nếp (nếp IR4625, nếp AG): Đề nghị các địa phương và bà con nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với quy định và gắn với quy hoạch của từng địa phương.

Đối với các tiểu vùng có thời gian xuống giống muộn (cuối tháng 12/2024) nên chọn nhóm giống ngắn ngày (dưới 90 ngày): OM5451, OM380, OM34 để kịp thời vụ.

Vụ Đông Xuân năm 2024-2025, toàn tỉnh có tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 49.650  ha, chiếm 22 % diện tích dự kiến xuống giống với sự tham gia liên kết của 16 công ty và doanh nghiệp. Các công ty khác có kế hoạch liên kết nhưng chưa triển khai thực hiện ký hợp đồng. Các địa phương rà soát, chủ động kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp giúp tiêu thụ, tránh tồn đọng sản lượng lúa tại địa phương. Các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch. Căn cứ theo lịch xuống giống vụ Đông Xuân, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt: Đợt 1, từ 16/03 đến 30/03 sẽ thu hoạch khoảng 480.000 tấn; Đợt 2, từ 01/04 đến 13/04 sẽ thu hoạch khoảng 500.000 tấn. Các thời điểm còn lại từ đầu tháng 02 sẽ có thu hoạch lúa Đông Xuân liên tục./.

Kế hoạch số 115/KH-SNNPTNT ngày 11/10/2024

 

 

Tác giả
Hải Nhu