Ngành nghề nông thôn ở Phú Tân tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh, huyện; phối hợp thực hiện của các ngành và địa phương; công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên từ đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề, ngành nghề nông thôn hoạt động ổn định và ngày càng phát triển. Các chính sách về đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất; vốn vay; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa và các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai kịp thời. 

Làng nghề bó chổi bông sậy Phú Bình có 350 hộ sản xuất giải quyết việc làm khoảng 1000 lao động; thu nhập bình quân 5,5 đến 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh, làng nghề mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ vào một số khâu sản xuất quan trọng nhằm làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã – bao bì, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện phát triển nhiều dịch vụ hỗ trợ khác, tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn.

Theo UBND huyện Phú Tân, đến nay toàn huyện có 255 cơ sở, sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề nông thôn. Trong đó, chế biến nông lâm thủy sản 101 cơ sở; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 7 cơ sở; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 13 cơ sở; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 45 cơ sở và Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 89 cơ sở. Tạo việc làm cho hơn 1.110 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 3,5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng. 

Phần lớn các ngành nghề hoạt động sản xuất quanh năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành nghề chủ yếu là trong tỉnh và ngoài tỉnh. Riêng các mặt hàng sản xuất của lò rèn, bó chổi xuất sang thị trường ngoài nước. Hiện nay, một số cơ sở có quy mô tương đối đã và đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm như các sản phẩm ngành rèn, bánh phồng, bó chổi… Lao động tham gia sản xuất tại các chủ thể kinh tế phần lớn là lao động địa phương và dây chuyền sản xuất chủ yếu dưới hình thức thủ công, một số ít áp dụng cơ giới hoá vào trong quá trình sản xuất.

Toàn huyện hiện có 255 cơ sở, sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề nông thôn.

Nhìn chung, lĩnh vực ngành nghề nông thôn đã có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hoá ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của Nhân dân trên địa bàn. Đa số các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu đã được một số cơ sở quan tâm, trong năm có 02 sản phẩm đạt OCOP như: Bưởi da xanh Phú Hộ và Dưa lưới CNC của THT Dưa lưới, xã Bình Thạnh Đông.

Bên cạnh đó, Phú Tân cũng phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, đến nay, toàn huyện có 3 làng nghề truyền thống như: rèn, Bánh phồng tập trung tại thị trấn Phú Mỹ, Bó chổi bông sậy ở xã Phú Bình. Hiện huyện đang tập trung vận động các nguồn lực để đầu tư, nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chí để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề.

 Cụ thể: Làng nghề bó chổi bông sậy Phú Bình có 350 hộ sản xuất giải quyết việc làm khoảng 1000 lao động; thu nhập bình quân 5,5 đến 6 triệu đồng/lao động/tháng; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và hiện nay sản phẩm đã được tiêu thụ sang nước bạn Campuchia.. Làng nghề luôn cải tiến mẫu mã, cán nhựa nhẹ, có độ bền, vừa đẹp vừa bền, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Làng nghề Rèn Phú Mỹ có 66 hộ sản xuất với 264 lao động, sản lượng bình quân khoảng 85.000 sản phẩm/tháng; thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, hiện nay sản phẩm đã được tiêu thụ sang nước bạn Lào và Campuchia. Doanh thu 3,3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Làng nghề Bánh phồng Phú Mỹ có 16 hộ sản xuất thường xuyên (tăng 1 hộ so với năm 2023) với 115 lao động (tăng 05 lao động so với năm 2023), bình quân sản phẩm khoảng hơn 3,4 triệu cái bánh/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh lân cận và những kỳ hội chợ triễn lãm tại An Giang, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang Campuchia. Doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Theo UBND huyện, khó khăn trong việc sản xuất của làng nghề là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình; nhu cầu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ chưa được quan tâm nên khó hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tổ chức sản xuất quy mô lớn, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Các cơ sở thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng; thiếu vốn đầu tư; trình độ quản lý và lao động qua đào tạo còn thấp, chưa quen với tác phong công nghiệp.

Cạnh đó, các chủ cơ sở ngành nghề nông thôn kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ với nhau; nhiều sản phẩm tiêu thụ theo mùa, thời vụ. Điều này gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; khả năng xúc tiến thương mại; sản phẩm tạo ra không mang lợi nhuận cao, trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa. Bên cạnh đó, niềm tin của người lao động về tương lai của ngành nghề truyền thống còn thấp.

Địa phương, các làng nghề, làng nghề truyền thống chưa chủ động trong việc đề xuất đặt hàng nội dung nghiên cứu, ứng dụng KHCN để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm của làng nghề…

Để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trong thời gian tới, Phú Tân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hoá sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh, trong đó chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của huyện gắn Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề hiện có, đồng thời tập trung phát triển sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương; quản lý các làng nghề được công nhận đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường; hình thành các sản phẩm tiêu biểu, phát triển sản phẩm OCOP phục vụ phát triển du lịch trong đó gắn với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, thực hiện hỗ trợ ít nhất 01 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, từng lĩnh vực; Hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP; Hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại;Tiếp tục vận động các hộ sản xuất trong làng nghề Bánh phồng thực hiện đăng ký an toàn thực phẩm…/.

Tác giả
Thành Nhân - Hải Nhu