Xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu Nếp – AG nhằm đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân Phú Tân

Ngày 09-8, UBND huyện Phú Tân có văn bản trình Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh giao quyền sử dụng và khai thác giống Nếp - AG cho đơn vị có chức năng để thực hiện các bước tiếp theo trong việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu,  thương hiệu Nếp – AG mà nguyện vọng của Nhân dân huyện Phú Tân đã mong mỏi trên 50 năm.
 

Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu Nếp - AG mà nguyện vọng của Nhân dân huyện Phú Tân đã mong mỏi trên 50 năm.

Theo UBND huyện Phú Tân, giống Nếp đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống nếp CK92 là giống Nếp - AG (Quyết định số 2964/QĐ-BNN-TT ngày 30/7/2019) và được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ... (Quyết định số 05/QĐ-TT-VPBH ngày 13/01/2021); về quy trình canh tác đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành theo Quyết định số 579/QĐ-SNNPTNT ngày 23/10/2020. 

Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền sử dụng và khai thác giống Nếp - AG đã dừng lại (Công văn số 850/VPUBND-KTN ngày 22/02/2022 của VP.UBND tỉnh). Đây là điểm nghẽn rất lớn khi xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu Nếp - AG mà nguyện vọng của Nhân dân huyện Phú Tân đã mong mỏi trên 50 năm.
Tuy cơ cấu giống có sự dịch chuyển từ nếp sang lúa theo nhu cầu thị trường, nhưng diện tích Nếp - AG vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể so diện tích sản xuất (năm 2023 là 1.948 ha, chiếm 3,4% diện tích xuống giống), càng xác lập vị trí khá ổn định của một bộ phận hộ dân vẫn tâm huyết với giá trị giống nếp này.
Mặt khác Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn tuyển chọn tổ chức chủ trì và xét duyệt đề cương tỉnh An Giang (họp ngày 29/3/2024) thống nhất triển khai Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “ Ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu, phát triển sản xuất giống lúa nếp cho huyện Phú Tân phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” do Viện nghiên cứu Nông nghiệp CNC Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện từ 2024 - 2026. Đây là những cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu Nếp - AG.
Được biết, cây nếp đã có mặt trên địa bàn huyện Phú Tân từ trước năm 1975. Từ sau năm 1990, cùng với chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, cây nếp được chú trọng và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế, diện tích sản xuất cũng được mở rộng dần. Cây nếp đã được nông dân huyện Phú Tân sản xuất từ rất lâu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất 3 năm 8 vụ với hệ thống đê bao quản lý lũ khép kín kế thừa từ dự án Bắc Vàm Nao, đã tạo ra sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn, đồng thời là điều kiện thuận lợi khi triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tạo sản phẩm nếp đồng nhất số lượng lớn. 
 


Nếp Phú Tân có hương thơm đặc trưng, dẻo, độ thuần rất cao.
Từ sau năm 2003, diện tích sản xuất nếp đã trên 50% diện tích gieo trồng và hiện nay trên 90% diện tích canh tác nếp với 2 loại giống chủ lực CK92, CK2003. Sản lượng nếp mỗi năm của Phú Tân đạt gần 400.000 tấn.
Nếp Phú Tân có hương thơm đặc trưng, dẻo, độ thuần rất cao. Chất lượng nếp được nhiều người đánh giá cao và ưa chuộng. Đây là sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý huyện Phú Tân.
Hiện nay, sản phẩm nếp của tỉnh An Giang nói chung và sản phẩm nếp của huyện Phú Tân nói riêng đang được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tiềm năng phát triển tốt. 
Tuy nhiên, việc nhận biết thương hiệu còn nhiều hạn chế, những điểm khác biệt của nếp Phú Tân hay nếp An Giang chưa được nhấn mạnh nên chưa tạo điều kiện để chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Do đó, UBND huyện Phú Tân có văn bản trình Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh giao quyền sử dụng và khai thác giống Nếp - AG cho đơn vị có chức năng để thực hiện các bước tiếp theo trong việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu,  thương hiệu Nếp – AG mà nguyện vọng của Nhân dân huyện Phú Tân đã mong mỏi trên 50 năm./.
 

Tác giả
Hải Nhu