Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài, khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần có thể hít vào và gây bệnh tại phổi. Bệnh lao phổi rất thường gặp, có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở. Nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng điển hình của lao mới đến các cơ sở y tế khám tầm soát để được chẩn đoán sớm và điều trị. Theo người dân đến tầm soát bệnh tại Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Ba tôi có triệu chứng ho khan kéo dài, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều nên tôi mới đưa ba đi khám bị phổi và đang điều trị bệnh. Do sống chung nhà nên tôi cũng lo bị nhiễm bệnh nên lại cơ sở y tế ở xã và được hướng dẫn đến Trung tâm Y tế huyện để thử đàm, tầm soát, phát hiện sớm để uống thuốc ngừa lây nhiễm.” Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh lao phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc, các phát đồ điều trị lao được phân ra điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể, sử dụng loại thuốc nào và điều trị trong bao lâu sẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều trị bệnh lao phải phối hợp nhiều loại thuốc, dùng thuốc phải đều đặn hàng ngày vào mỗi buổi sáng, đủ thời gian 6 tháng. Điều trị không đúng sẽ gây kháng thuốc rất khó khăn cho việc điều trị sau nầy. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, mà phải tuân theo sự hướng dẫn của Bác sĩ chuyên khoa lao. Vì vậy, việc phát hiện bệnh lao sớm là điều rất quan trọng.
Anh Nguyễn Hữu Cầu, cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống lao, Trạm Y tế xã Phú Long cho biết: “Toàn xã hiện có 6 người bị bệnh lao đang được trạm y tế quản lý và điều trị bệnh, trong đó có 1 lao kháng thuốc và 5 trường hợp lao các thể khác. Thời gian qua, Trạm y tế cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi nhiễm thì đi khám tầm soát để điều trị hiệu quả. đối với bệnh nhân lao được khám, phát hiện sớm cũng như điều trị sớm sẽ giảm các biến chứng, như: ho ra máu, hay là tràn khí, tràn dịch màng phổi hoặc là xơ phổi,v.v…Tất cả những biến chứng này khi được khám và điều trị sớm thì bệnh nhân có thể hồi phục và khỏi bệnh hoàn toàn.” Một bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh chia sẻ: “Khi mới phát hiện bị bệnh, tôi rất lo lắng, mặc cảm, bởi trước đây người dân nghĩ bệnh lao là bệnh nan y, nên tôi sợ mọi người kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử. Qua sự động viên, tuyên truyền của cán bộ chuyên trách của trạm y tế nên tôi quyết tâm đi thử đàm, tầm soát bệnh và phát hiện bị bệnh. Tôi chấp hành điều trị bệnh theo đúng phát đồ của trạm y tế, đến lấy thuốc uống đều đặn hàng tháng. Kết thúc phát đồ điều trị, tôi xét nghiệm lại và hoàn toàn khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường đến nay.” Trong năm 2023 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện đã thử đàm tầm soát bệnh lao hơn 3.500 người, thu dung điều trị 475 bệnh nhân lao các thể. Trong đó, điều trị khỏi 439 bệnh nhân. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã thu dung điều trị 82 bệnh nhân lao các thể và điều trị khỏi 62 bệnh nhân. Lao dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp, vì thế những đối tượng có nguy cơ cao mắc lao là: người sống chung với bệnh nhân lao phổi; người mắc một số bệnh mãn tính gây suy giảm miễn dịch như: bệnh tiểu đường, HIV, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, người già trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay giới trẻ có tỷ lệ mắc bệnh lao gia tăng, do môi trường làm việc không đảm bảo, lối sống, sinh hoạt, ăn uống, vận động của một bộ phận giới trẻ hiện nay không khoa học. Ăn không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống bia rượu… làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu dễ khiến vi khuẩn lao tấn công và gây bệnh. Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày; Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao năm 2035, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế trong việc tổ chức các chương trình khám sàng lọc phát hiện và thu dung bệnh lao mới, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn bằng các kỹ thuật cao để phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng thì quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác, hành động của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao./.