Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân

Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang  *  Cổng Thông tin điện tử huyện Phú Tân - Tỉnh An Giang

“NHỮNG CHIẾC CẦU YÊU THƯƠNG!”

Thông tin người dự thi Họ tên: PHẠM THỊ BÍCH THỦY Địa chỉ : Trường THPT Chu Văn An ( Phú Tân, An Giang) Số điện thoại: 0982614512 TÁC PHẨM DỰ THI “NHỮNG CHIẾC CẦU YÊU THƯƠNG!” Ngày nay, nông thôn Phú Tân, An Giang đã thay đổi nhiều, khoác lên mình chiếc áo mới với đường xá thông thoáng, với những chiếc cầu bê tông vững chãi cho bà con thuận tiện đi lại, cho em thơ vui bước đến trường. Trong số đấy, có những chiếc cầu yêu thương được xây nên bởi tấm lòng thiện nguyện, bởi công sức của nhân dân dân; đấy còn là cách làm hay của chính quyền địa phương trong việc xã hội hoá để xây cầu nông thôn mới.

        Phú Tân - một trong bốn huyện cù lao của tỉnh An Giang thuộc vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do đặc điểm địa hình như thế, nên khi đến với Phú Tân, ta sẽ bắt gặp nhiều chiếc cầu để kết nối đôi bờ. Và hình ảnh những cây cầu tre lắc lẻo hay những cây cầu khỉ khó đi, những cây cầu ván đơn sơ của ngày xưa không còn nữa. Giờ đây, những chiếc cầu ấy được thay bằng những chiếc cầu bê tông vững chãi, nó chất chứa bao nghĩa tình của những người con trong và ngoài huyện Phú Tân .

        Nếu có dip về Phú Long, hãy một lần đi qua Cầu Tây Phát để có thể cảm nhận được ân tình bà con gửi gắm vào chiếc cầu ấy . Chiếc cầu khánh thành 13/6/2022, bắc ngang kênh Phú Lạc, kết nối giao thông 2 bờ: Ấp Phú Tây (xã Phú Long) và ấp Hòa Phát (xã Phú Hiệp). Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép chắc chắn, dài 30m, ngang 3,5m, độ thông thuyền 12m và tải trọng 5 tấn.

Cầu Tây Phát

         Đây là công trình chào mừng kỉ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, thực hiện bằng hình thức xã hội hóa.

        Khi tôi hỏi  một người dân trong ấp về kinh phí xây cầu, chị vui vẻ nói: “Cầu được xây dựng từ nguồn tự nguyện đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Ai có nhiêu đóng góp nhiêu. Có người góp 5 triệu, 10 triệu , 20 triệu, có người góp vài chục ngàn, vài trăm ngàn, có người góp vài triệu. Người dân chúng tôi rất vui khi góp phần mình vào xây dựng chiếc cầu này, nó giúp cho mọi người thuận tiện đi lại hơn”.

        Được biết, cầu xây dựng với số tiền trên 825 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp (nhóm từ thiện anh Trương Văn Hiếu (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 100 triệu đồng, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hải Đến hỗ trợ 50 triệu đồng, nhiều cá nhân góp từ 10 – 20 triệu đồng,….).

Danh sách tổ chức, doanh nghiệp,cá nhân đóng góp xây cầu

       Từ sự chung sức đồng lòng, từ tinh thần đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tôi chợt nhận ra tấm lòng thiện nguyện thật đáng quý và cần lan tỏa sâu rộng để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Bản thân mỗi người chúng ta, tùy khả năng của mình, mỗi người cùng góp sức sẽ có được những chiếc cầu yêu thương như thế để thuận tiện đi lại cho bà con, để góp phần thay đổi diện mạo nông thôn quê nhà, để sớm hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình.

        Đi trên chiếc cầu mới, bà con trong và ngoài xã vô cùng vui mừng, phấn khởi bởi chiếc cầu đã tạo thuận lợi trong giao thông, vận chuyển lúa nếp của bà con nông thôn. Các em học sinh cũng yên tâm hơn khi di chuyển trên chiếc cầu bê tông vững chắc, rộng rãi như thế.

       Rời Phú Long, đến với xã nông thôn Hiệp Xương, ta sẽ bắt gặp nhiều chiếc cầu yêu thương, đặc biệt trong năm 2022, cầu Trường “C” và cầu Bình Tây hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đem lại niềm phấn khởi lớn cho nhân dân.

       

Cầu Trường “C” khánh thành 14/8/2022, nối liền đôi bờ 2 ấp Hiệp Thạnh và Hiệp Hưng. Cầu có tải trọng 8 tấn, dài 36m, rộng 4m, có tổng kinh phí xây dựng hơn 2,1 tỷ đồng(trong đó, Câu lạc bộ Mandala Phong Thủy, cựu sinh viên Khóa 96, 97 Khoa xây dựng Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 700 triệu đồng,…).

 Cầu Trường “C”

      Cầu Bình Tây được khởi công xây dựng vào ngày 08/8/2022  và khánh thành ngày 11/11/2022, cầu xây dựng bằng bê tông - cốt thép, dài 34m, rộng 4m, tải trọng 8 tấn và có lan can theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí và ngày công xây dựng hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa( gia đình ông Phạm Bình Tây, xã Bình Thạnh Đông tài trợ 1,2 tỷ đồng; bà Phan Thị Hồng Nhung, tỉnh Đồng Tháp kết nối, vận động hỗ trợ 100 triệu đồng và phần tiền dư từ cầu Trường C là 280 triệu đồng, phần còn lại địa phương vận động từ các nhà hảo tâm, Nhân dân trong và ngoài xã đóng góp thêm). Cầu do Đội xây dựng cầu thiện nguyện xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và Nhân dân trong xã góp sức thực hiện.

Cầu Bình Tây

        Những chiếc cầu ấy không đơn thuần là phương tiện kết nối đôi bờ mà còn là những chiếc cầu chuyên chở yêu thương. Bởi ở đây, ta thấy công sức, tấm lòng, sự đóng góp tiền của những người con quê hương Phú Tân và những tấm lòng hảo tâm ngoài tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp. Từ sự đóng góp ấy, ta nhận

ra ở họ một tấm lòng- tấm lòng hướng đến cuộc sống yên vui, thuận tiện cho nhân dân. Với tôi, đây là những việc làm thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Việc gì có lợi cho dân thì cố hết sức mà làm. Những tấm lòng như thế thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao!

       

Từ những chiếc cầu yêu thương ấy, tôi chợt nhận ra, xã hội hóa để xây dựng cầu nông thôn là cách làm hay của chính quyền điạ phương trong việc xây dựng cầu đường của chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Tân. Thấm nhuần tư tưởng dân vận của Bác "Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", chính nhờ chính quyền địa phương đã thực hiện “dân vận khéo” trong vận động nhân dân đóng góp( sức người, sức của) vào xây dựng cầu nông thôn nên người dân đã rất đồng tình, ủng hộ. Chính cách “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” này đã góp phần phủ khắp các cây cầu ở nông thôn, tạo thuận tiện cho nhân dân trong việc đi lại, mua bán, vận chuyển,… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, làm cho kinh tế, xã hội huyện nhà thêm phát triển.

     Là người con của quê hương Phú Tân, tôi tự hào về sự đổi mới, khang trang của quê hương mình. Đi trên những chiếc cầu yêu thương ấy, tim tôi dạt dào cảm xúc và có niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền địa phương và trân quý tấm lòng thiện nguyện của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Bằng việc làm thiết thực của mình, họ đã góp phần vẽ nên một Phú Tân tươi đẹp với những câu chuyện ý nghĩa đằng sau những chiếc cầu yêu thương, vững chắc đem lại diện mạo mới cho nông thôn Phú Tân mình. Thiết nghĩ, cách làm hay của chính quyền địa phương trong việc xã hội hóa để xây dựng cầu nông thôn, việc góp tiền, góp công, góp sức, hiến đất xây cầu của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là những việc làm có ý nghĩa vô cùng thiết thực, cần được lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Với tôi, đây thật sự là một trong những việc làm tốt trong học tập và làm  theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giúp cho chúng ta sống đẹp hơn mỗi ngày:

           “ Ta bên Người Người toả sáng trong ta,

           Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”

( Tố Hữu)

                                                                                      Người viết

 

 

 

Phạm Thị Bích Thủy

Lịch công tác
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 27/04/2020 - 03/05/2020 - (28/04/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 10/02/2020 - 16/02/2020 - (12/02/2020)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 12/11/2012 - 18/11/2012 - (03/06/2019)
  • Lịch công tác tuần của UBND huyện từ ngày 19/11/2012 - 25/11/2012 - (03/06/2019)
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH